Sau một vài phiên "trục trặc", Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện được một phiên đấu thầu vàng với mục đích tăng cung ra thị trường. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng rất thận trọng khi tham gia dự thầu. Vấn đề được dư luận đặt ra, liệu đấu thầu vàng có phải giải pháp căn cơ để giảm giá vàng, giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng đang bất hợp lý.
Cũng trong thời gian qua, tỷ giá USD/VND lập kỷ lục cao trong bối cảnh giá vàng dồn dập lập đỉnh. Điều đó tạo nên những thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý. Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ra văn bản với các giải pháp hạ nhiệt, ổn định thị trường vàng, tỷ giá nhằm giảm áp lực lạm phát.
‘Cơn sóng’ vàng và tỷ giá đã đặt Ngân hàng Nhà nước vào một thách thức làm thế nào để ổn định hai thị trường này mà không làm xáo trộn quá nhiều các mục tiêu vĩ mô chính như tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thị trường vàng, tỷ giá được kỳ vọng sẽ sớm ổn định trở lại và phát triển bền vững.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.
Sau 11 năm trở lại đấu thầu vàng, dư luận và giới đầu tư rất “ngóng” phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC ngày 22/4 của Ngân hàng Nhà nước với kỳ vọng ổn định được thị trường vàng tăng sốc thời gian gần đây. Nhưng đến phút chót, phiên đấu thầu này bị hủy do chỉ có 2 thành viên đăng ký và đến ngày 23/4, đấu thầu mới thành công với 3.400 lượng vàng. Đến ngày 3/5, lần thứ 3, Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu vàng do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh vàng "có vẻ" không mấy mặn mà tham gia đấu thầu.
Theo các chuyên gia, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, Ngân hàng Nhà nước được quyền hủy kết quả và như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn. Bên cạnh việc họ phải đấu thầu theo thị trường, giá vàng lúc lên lúc xuống khó kiểm soát, đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước xong lại thông báo đối tác họ không cung cấp đủ. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước không phải bồi thường, phía doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng lại chịu rủi ro. Vì vậy, để thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị cũng như đảm bảo thành công cho các phiên đấu thầu tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, phải xây dựng được mức giá phù hợp để người đấu thầu tính toán được lợi ích của họ.
Vốn được coi là “nơi trú ẩn” của dòng tiền mỗi khi các kênh đầu tư khác có vấn đề, từ đầu năm đến nay, vàng đã trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất cao. Tính đến thời điểm cuối tháng 4, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 10% so với thời điểm đầu năm, tương đương mức tăng cả năm 2023, với mức giao dịch trên 84 triệu đồng/lượng. Cùng đó, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức hơn 75 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 17% so với thời điểm đầu năm. Có những thời điểm, vàng miếng SJC chạm sát mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn SJC đạt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng, phá mọi kỷ lục đã thiết lập. Tình trạng khan hàng, thậm chí “cháy hàng”, bán ra với số lượng hạn chế… tuy không thường xuyên nhưng cũng đã xảy ra ở đây đó.
Giới chuyên gia đánh giá, nhiều yếu tố khiến giá mặt hàng này tăng mạnh, neo ở mức giá cao; trong đó, có nguyên nhân từ biến động trên thị trường thế giới đến tâm lý người dân trong nước. “Riêng vàng nhẫn, dù không phải là thương hiệu quốc gia nhưng lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao khiến người dân đổ xô đi mua. Trong khi thị trường vàng nhẫn cũng không đủ nguồn cung nên rơi vào tình cảnh khan hiếm, dẫn đến giá vàng nhẫn ngày càng trở nên đắt đỏ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho hay.
Phó Thống đốc Ngân hàng nước Đào Minh Tú cho biết: Giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, trước mắt là bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang sửa Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng để trong thời gian tới quản lý thị trường vàng phù hợp với sự phát triển chung của thị trường. Qua động thái tổ chức đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước thể hiện quan điểm xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Đồng thời, sẵn sàng tăng cung vàng miếng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013. Cụ thể, thời điểm đó, tình hình vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá cao do Ngân hàng Nhà nước cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng. Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.
“Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng” - Phó Thống đốc Ngân hàng nước Đào Minh Tú
Đối với sức nóng của thị trường vàng, ngoại tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng có những biến động hết sức đột xuất nhưng nằm trong dự định của cơ quan quản lý cũng như đánh giá của giới phân tích. Dù rằng, sự biến động đó đã ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá USD/VND trong nước liên tục tăng nóng trong những tháng đầu năm, đặc biệt là những ngày gần đây. Chẳng hạn như tại Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, từ đầu năm tới nay đã tăng gần 1.100 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương mức mất giá của VND từ 4,4 – 4,6%.
Chỉ ra nguyên nhân tỷ giá tăng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, đó là kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của các nước; trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất của Việt Nam đi ngược với rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi các nước tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước lại điều chỉnh giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sách lãi suất thấp đã phần nào tác động đến tỷ giá, nhất là trên thị trường liên ngân hàng, khi tạo ra chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu tích cực, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu tăng lên cũng tác động đến nhu cầu ngoại tệ và ảnh hưởng đến tỷ giá. Theo các chuyên gia, tỷ giá tăng sẽ tác động ngay lập tức đến hoạt động thương mại. Tỷ giá hối đoái tăng thường có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hóa từ bên ngoài sẽ đội thêm chi phí khiến sản phẩm trong nước tăng theo, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng khá nhanh và mạnh song tỷ giá hạ nhiệt chưa đáng kể. Do đó, để đối phó với tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ nội địa để thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu đi các thị trường thanh toán bằng USD.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng khá nhanh và mạnh song tỷ giá hạ nhiệt chưa đáng kể.
Theo Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp chỉ nên vay ngoại tệ khi khả năng sinh lời vượt trội so với tổn thất. Trường hợp vay vốn dài hạn thì có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ năm 2024…
*Giảm tốc độ lan truyền sức nóng
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng, tỷ giá gây tác động bất lợi đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, đồng thời để hạ nhiệt thị trường, mới đây nhất, tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả. Mặt khác, quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Ngoài ra, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng. Đồng thời, điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Thủ tướng chỉ thị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, tại Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Cùng đó, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để giảm sức nóng thị trường vàng, chỉ trong một ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành ba văn bản gửi đến các bộ, ngành liên quan đề nghị phối hợp và trong cùng ngày, cơ quan này cũng có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý thị trường vàng. Tiếp theo ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 2 thành viên kỳ vọng sẽ giảm nhiệt "cơn sốt" hiện nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu muốn giá vàng giảm sâu hơn, kéo gần thêm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì cần thêm nhiều phiên đấu thầu chứ không chỉ một phiên như ngày 23/4.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có một loạt động thái như: Phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá. Các chuyên gia nhấn mạnh, việc ssử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.