Emagazine

Ngân hàng và khách hàng, cần sự song hành của lòng tin!

Hạnh Dương 28/03/2024 08:37

Sự việc một khách hàng được cho vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng không nộp lãi nhiều năm, đến nay, cả gốc lẫn lãi phải trả lên đến 8,8 tỷ đồng đang trở thành điểm nóng dư luận những ngày gần đây.

linh-s-work-1-.png

Câu chuyện chưa có hồi kết nói trên bắt đầu từ việc Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ thẻ tín dụng trị giá trên 8,83 tỷ đồng; trong đó nợ gốc chỉ 8,55 triệu đồng.

115336_eximbank-chung-tay-cung-cong-dong-mua-covid-19.jpg
Hoạt động giao dịch tại Eximbank. Ảnh: TTXVN

Theo anh P.H.A, chỉ tới khi nhận được thông báo của Eximbank AMC, anh này mới biết toàn bộ khoản nợ đã quá hạn. Còn phía Eximbank cho biết, khách hàng P.H.A đã mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.

Câu chuyện ở đây chính là trước khi nhận được thông báo của Eximbank AMC, anh P.H.A cho biết năm 2017, anh này có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì mới được biết mình đang có nợ xấu tại Eximbank.

Và hơn nữa, năm 2013 anh có làm thủ tục mở thẻ tín dụng và ký một số giấy tờ liên quan mở thẻ nhưng do “không đủ điều kiện” nên đã không được cấp thẻ.

eib2.jpg

Và khi được biết mình có khoản vay “không được tiêu”, anh đã đưa ra phương án khắc phục với ngân hàng, nhưng sau đó đã không đi đến thống nhất giữa 2 bên bởi số nợ ngân hàng tại thời điểm đó khá lớn nên khoản nợ đã tăng cấp số nhân cho đến nay...

Dư luận cho rằng, nếu như khi đó, anh P.H.A quyết liệt giải quyết dứt điểm vụ việc và phía ngân hàng cảnh báo thường xuyên đến khách hàng và có cách xử lý thỏa đáng thì đã không xảy ra hậu quả như hiện nay. Mỗi bên trong cuộc đều đưa ra những lý do để lý giải, bảo vệ cho quyền lợi của mình. Đúng hay sai đều sẽ được giải quyết dưới góc độ pháp luật, và có sự tham gia của các cơ quan chức năng để xác minh vụ việc.

Nhưng sau khi vụ việc này xảy ra, rất nhiều khách hàng đã không khỏi giật mình và ngay lập tức tìm cách kiểm tra mình "vô tình" có khoản nợ xấu nào từ ngân hàng hay không?, có chiếc thẻ tín dụng nào được mở ra nhưng không sử dụng hay không? v.v...Dư luận đặc biệt quan tâm tới nguyên nhân của vụ việc, để từ đó có bài học, có biện pháp để bảo vệ chính mình.

170815-goldcardhand-stock.jpg
Nhiều khách hàng không khỏi giật mình và kiểm tra mình "vô tình" có khoản nợ xấu nào từ ngân hàng hay không?

Ở góc độ người tiêu dùng, khi nhìn vào vụ việc, phản ứng đầu tiên sẽ là ngạc nhiên và không khỏi "khó chịu" với ngân hàng khi để một khoản nợ lên đến con số "khủng" như vậy mà không có biện pháp hỗ trợ ngăn chặn, để nợ phát sinh "lãi mẹ đẻ lãi con"!

Các chuyên gia ngân hàng cũng bày tỏ quan điểm, phần lớn các ngân hàng hiện nay thường áp dụng theo thông lệ là đối với một khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu, các ngân hàng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi và tiền phạt để không tạo áp lực nợ không thể trả đối với khách hàng.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ, về cách tính lãi, các giao dịch đã phát sinh, vì sao khoản nợ này lại kéo dài, phía ngân hàng có đốc thúc trả nợ, thông báo dư nợ thường xuyên hay không. Trường hợp phát sinh các giao dịch trong thời gian khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cần làm rõ tính hợp pháp của các giao dịch để đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, nhiều chuyên gia ngân hàng lưu ý: Người dùng thẻ tín dụng cần đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ. Thẻ tín dụng có thể miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu.

173729_eximbank-chung-tay-cung-cong-dong-mua-covid-19.jpg
Hoạt động giao dịch tại Eximbank. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng, bên cạnh câu chuyện phát sinh nợ xấu nói trên, thời gian qua ngày càng xảy ra nhiều vụ khách hàng bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, nguyên nhân đưa ra thường do người sử dụng kém hiểu biết, vô tình làm lộ thông tin bảo mật liên quan đến tài khoản v.v...nhưng ít khi nói tới trách nhiệm của các ngân hàng trong việc áp dụng các biện pháp hữu hiệu (ngoài việc khuyến cáo) để bảo vệ khách hàng của mình.

Trong bối cảnh các ngân hàng phát triển mạnh dịch vụ tín dụng, thì việc phát triển các ứng dụng, tiện ích để hỗ trợ, hướng dẫn và bảo vệ khách hàng khi có những dấu hiệu bất thường càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi dịch vụ ngân hàng còn chính là dịch vụ của lòng tin. Tránh tình trạng khi có sự cố mất mát, thì phần sai, phần mất mát khách hàng luôn phải chịu. Lợi nhuận mất một, lòng tin mất mười!

Vụ việc của Eximbank AMC đã được Ngân hàng Nhà nước vào cuộc chỉ đạo giải pháp, nhưng về lâu dài, có lẽ ngân hàng này sẽ phải truyền thông rất nhiều mới có thể khiến khách hàng và dư luận hiểu hơn câu chuyện của mình, và quan trọng hơn cả là tạo dựng lòng tin, tạo dựng thương hiệu, điều mà không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Chỉ có sự song hành của niềm tin giữa ngân hàng với người tiêu dùng, sự minh bạch trên hành lang pháp lỹ rõ ràng và việc chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả từ cơ quan quản lý trên cơ sở bảo vệ lợi ích 2 bên khi xẩy ra rủi ro mới tạo sự lâu bền, tin tưởng của khách hàng trong sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Chỉ có sự đồng hành của lòng tin thì mới có thể đứng vững và tiến xa!

nguyen-thu-hanh-20240321184523.png

Rà soát các quy trình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Công văn 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng nhằm tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong quá trình phát hành, sử dụng thẻ ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành; chỉ đạo, quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện đúng trình tự, thủ tục phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng theo đúng quy định pháp luật khi thực hiện phát hành thẻ cho khách hàng.

Đồng thời, đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật liên quan; phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát toàn bộ quy trình xử lý tra soát, khiếu nại theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát sinh khiếu nại, phản ánh của khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, tổ chức phát hành thẻ xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và dứt điểm, không để vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như hình ảnh và uy tín của tổ chức phát hành thẻ.

Đối với trường hợp phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài…) thông qua quá trình kiểm soát, giám sát, tổ chức phát hành thẻ cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện các biện pháp truyền thông tới khách hàng (qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông mà khách hàng dễ dàng tiếp cận) về quyền và trách nhiệm của khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng; khuyến cáo khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

275-825x531-2314.jpeg

Eximbank cùng khách hàng thống nhất xử lý vụ việc, đảm bảo mức lãi phí hợp lý hợp tình cho hai bên và sẽ thông báo tới truyền thông trong thời gian sớm nhất. Không có chuyện ngân hàng thu 8,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc Eximbank

Ngân hàng và khách hàng, cần sự song hành của lòng tin!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO