Sản phẩm báo chí chất lượng cao của Bnews, đơn vị tiên phong, sáng tạo trong hành trình Chuyển đổi số.
Emagazine
Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp: Cởi mở, gắn kết, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đột phá trong kỷ nguyên mới!
Hoàng Tùng/BNEWS/TTXVN•07/03/2025 07:48
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ trong việc tháo gỡ khó khăn mà còn trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng, không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đột phá vào những ngành có tiềm năng cao như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các doanh nghiệp ASEAN. Ảnh: Dương Giang – TTXVN
Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có một loạt cuộc gặp gỡ, tọa đàm với các doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Trước đó vào giữa tháng 2, Thủ tướng Chính phủ cũng có cuộc đối thoại quan trọng với sự tham gia của hàng trăm đại diện từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những động thái này không chỉ là thông điệp tích cực mang lại động lực, lòng tin cho các doanh nghiệp mà còn cho thấy hình ảnh một Chính phủ Việt Nam đầy năng động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhằm nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Có thể khẳng định, lực lượng doanh nghiệp ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Qua gần 40 năm Đổi mới, số lượng doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc toạ đàm với các doanh nghiệp ASEAN. Ảnh: Dương Giang – TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các doanh nghiệp ASEAN. Ảnh: Dương Giang – TTXVNĐại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tham dự buổi toạ đàm. Ảnh: Dương Giang-TTXVNDoanh nghiệp ASEAN tham dự buổi toạ đàm. Ảnh: Dương Giang – TTXVN
Chính bởi vậy, trong các cuộc gặp gỡ đối thoại, người đứng đầu Chính phủ luôn đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Trong một số dự án lớn đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân… hay như việc tập trung cho phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP…, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ trong việc tháo gỡ khó khăn mà còn trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng, không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đột phá vào những ngành có tiềm năng cao như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh.
Sản xuất thấu kính của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVNSản xuất thấu kính của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVNCó tới 56% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVNTrong năm 2024 có hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam thông báo có lãi. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Sự trân trọng, cầu thị đó không chỉ được ghi nhận bởi các doanh nghiệp trong nước mà còn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao và bày tỏ sự tin tưởng về những cam kết, những chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam.
Hay như hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra hơn 900.000 việc làm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Những kết quả này đang khẳng định Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc…
Nhiều dự án đầu tư FDI áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ sạch, ít ảnh hưởng đến sinh thái đã được đầu tư mới tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVNNhiều hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến nhất đã được các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVNCông ty TNHH Bumjim Electronics Vina (100% vốn Hàn Quốc) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 870 người lao động. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVNNhiều công ty vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã đầu tư sản xuất tại khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Yên, Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVNHệ thống máy gắn chip 7 công đoạn với giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng tại Công ty TNHH Bumjim Electronics Vina (100% vốn Hàn Quốc). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVNTừ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào tỉnh Quảng Ninh, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức to lớn. Với sự cạnh tranh kinh tế, căng thẳng chính trị, xung đột thương mại giữa các nước ngày càng gay gắt đã tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chính sách điều hành của mỗi quốc gia, đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.
Một điểm mới trong năm nay là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho tất cả các địa phương, bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực bởi nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm (Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm); Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao (đến năm đó, tiêu chí sẽ thay đổi, theo tiêu chí hiện nay, GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm).
Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
“
Một điểm mới trong năm nay là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho tất cả các địa phương, bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực bởi nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá". Đối với các kiến nghị, đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ các doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý ngay với tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Mặt khác, Chính phủ Việt Nam, với cam kết mạnh mẽ về cải cách kinh tế, đã xác định năm 2025 là thời điểm quan trọng để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) - xương sống của nền kinh tế quốc gia.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ mới cho cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ cam kết là sẽ giảm thuế, mở rộng các gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó hỗ trợ tài chính và thuế thông qua việc giảm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các SMEs trong vòng 3 năm tới; Triển khai các chương trình hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp họ phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng quản lý cho đội ngũ doanh nhân và lao động trẻ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dương Giang-TTXVNCác đại biểu tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dương Giang-TTXVNCác đại biểu tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Rõ ràng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay, những chính sách đi đôi với việc làm nói trên đã cho thấy được những nỗ lực của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự cởi mở, hợp tác và sự gắn kết chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đột phá trong kỷ nguyên mới.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.